4 SAI LẦM PHỔ BIẾN VỀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA VÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ HỒ SƠ DU HỌC
1. Tham gia các hoạt động mất quá nhiều thời gian mà không
khoe được bản thân.
Những hoạt động kiểu này có thể kể đến như tham gia các hoạt động nghệ thuật hoặc tham gia các môn thể thao. Tất nhiên đây là những hoạt động học sinh
nên tham gia, hoặc có thể là hoạt động yêu thích với một số em nhưng nếu là để
chuẩn bị cho hồ sơ du học thì nên xem xét lại. Ví dụ như có em học sinh dành 5
ngày 1 tuần, mỗi ngày 3 tiếng để tham gia lớp và luyện tập piano. Có thể khả
năng chơi đàn của bạn được nâng cao lên rất nhiều nhưng nếu bạn dành thời gian
đó để khuyên góp quần áo cho trẻ em vùng cao hoặc gọi được tài trợ cho chương
trình kêu gọi bình đẳng giới thì mức hấp dẫn của bạn trong con mắt của các nhà
tuyển sinh đại học Mỹ sẽ tăng lên rất nhiều. Nói ngắn gọn thì các hoạt động
mang lại được các tác động tích cực lên xã hội sẽ được đánh giá cao hơn những
hoạt động chỉ mang lại lợi ích cho một cá nhân.
2. Tham gia quá nhiều hoạt động
Nhiều học sinh quá say mê với các hoat động ngoại khóa và
các hoạt động xã hội đến mức có đến 20 hoạt động khác nhau và không biết nên chọn
hoạt động nào để khai trong hồ sơ. Tuy nhiên, kể cả khi chọn được ra hoạt động
để khai trong hồ sơ thì các hoạt động này lại không mang tính cạnh tranh vì
không có điểm nhấn, mũi nhọn. Các nhà tuyển sinh sẽ tự hỏi là vậy tóm lại bạn học
sinh này quan tâm đến vấn đề gì trong xã hội khi mà mỗi vấn đề đều thấy bạn
tham gia. Hơn nữa là với việc tham gia tràn lan như thế khó tạo nên những đóng góp cho xã hội hay tạo ra bất kỳ thành tích nào cho cá nhân.
3. Tham gia hoạt động đã quá phổ biến với học sinh trường bạn
Đây là một lỗi mà rất nhiều học sinh mắc phải. Tham gia hoạt
động mà nhiều bạn của bạn tham gia vốn không phải là việc không tốt, tuy nhiên, dưới con mắt của các thành viên hội
đồng ban tuyển sinh của các trường đại học ở Mỹ thì nếu đã quá nhiều học sinh đến
từ trường hoặc từ thành phố của bạn tham gia hoạt động này rồi và thậm chí bài
học rút ra được từ hoạt động cũng giống nhau thì sự khác biệt của bạn ở đâu. Học
sinh thường nghĩ là tham gia vào một tổ chức nào đó nghe “có tiếng tăm”, hoặc có thương
hiệu, ví dụ như thực tập ở FPT, sẽ hiệu quả cho hồ sơ du học nhưng thực tế
không phải như vậy.
Điều quan trọng nhất các bạn cần xem xét khi tham gia một tổ
chức nào đó là những ảnh hưởng tích cực mà bạn sẽ tạo ra được cho cộng đồng
thông qua tổ chức ấy. Một tổ chức to hay nhỏ, “xịn” hay không sẽ không quan trọng
bằng việc bạn làm gì trong đó, đạt được gì thông qua đó hoặc học được bài học
gì để phát triển bản thân. Ví dụ như rất nhiều học sinh Việt Nam tham gia MUN
(Model United Nation), tổ chức mô phỏng liên hợp quốc để tranh luận về những vấn
đề quốc tế. Nếu bạn cũng tham gia MUN và bài học bạn rút ra được cũng là “ nâng
cao kỹ năng tranh biện và có thêm cho mình kiến thức về các vấn đề quốc tế” thì bạn sẽ khác biệt ở đâu?
Nếu là một bạn học
sinh khác cũng tham gia MUN nhưng điều bạn rút ra được là học sinh bàn về các vấn
đề quốc tế trong khi các vấn đề của Việt Nam thì đang chưa được quan tâm, sau
đó bạn thành lập tổ chức riêng để tạo sân chơi cho học sinh bàn thảo về các giải
pháp cho các vấn đề của Việt Nam. Cùng là tham gia MUN nhưng bạn học sinh này sẽ
tiềm năng hơn nhiều dưới con mắt của các nhà tuyển sinh của các trường đại học
Mỹ.
4. Tham gia các hoạt động không mang tính kết nối, phát triển
Nội dung này được chia sẻ ở cuối bài viết này hoàn toàn là
có chủ ý vì kể cả bạn tránh được 3 lỗi ở trên thì cũng rất ít học sinh tránh được lỗi cuối cùng này. Các bạn hết sức tránh việc tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc
xã hội theo dạng tiện thì tham gia hoặc lúc này thấy mình thích hoạt động về môi trường nhưng một thời gian sau thì mình lại thích dạy học cho trẻ em, lúc sau nữa thì lại thích tham gia dịch sách.
Thậm chí còn có nhiều học sinh đầu tư rất nhiều tiền bạc và thời gian để con tham gia vào những cuộc thi tầm Đông Nam
Á hoặc quốc tế để giành được những giải thưởng cao vì nghĩ như vậy sẽ tốt cho bộ
hồ sơ của con. Đã có một học sinh đến với tôi hỏi rằng có nên tham gia cuộc thi
Nhà Khoa Học Trẻ Châu Á không vì bạn ấy nghĩ là là con gái mà lại có giải trong
cuộc thi khoa học thì sẽ gây được ấn tượng trong con mắt các nhà tuyển sinh.
Câu trả lời của tôi lúc này là “ Cô không biết”. Đó là một câu trả lời rất thật
lòng chứ không phải cố tình từ chối hay làm khó bạn học sinh. Tôi không biết bởi
vì tôi không rõ bạn học sinh quan tâm, muốn góp phần giải quyết vấn đề gì trong
xã hội. Tôi cũng không biết trước đó bạn học sinh này đã tham gia những hoạt động
gì và bạn muốn xây dựng hình ảnh là một con người như thế nào với các nhà tuyển
sinh bên Mỹ. Ví dụ, nếu như bạn là người quan tâm và đã có một số hoạt động về
bình đẳng giới thì việc tham gia một cuộc thi khoa học về vật lý sát ngày nộp hồ sơ sẽ không mấy hiệu quả cho hồ sơ của bạn.
Trên đây là sai lầm phổ biến mà các bạn học sinh hay gặp phải khi tham gia hoạt động ngoại khóa và hoạt động xã hội trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn học sinh có được kế hoạch tham gia hoạt động ngoại khóa phù hợp và hiệu quả nhất trong mùa hè này!
https://iee.edu.vn/vi/bai-viet/chi-tiet/7156-4-sai-lam-pho-bien-ve-hoat-dong-ngoai-khoa-va-hoat-dong-xa-hoi-trong-qua-trinh-chuan-bi-ho-so-du-hoc
LIÊN QUAN TỚI BÀI NÀY