4 không và 4 có trong một bài luận ấn tượng với hội đồng tuyển sinh
Trong hồ sơ du học Mỹ, bài luận ấn tượng chính là cơ hội để học sinh tiết lộ những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình và cho ban tuyển sinh thấy vì sao mình khác biệt và nổi bật hơn những thí sinh khác. Thông qua bài luận, hội đồng tuyển sinh sẽ thấy được năng lực của học sinh cũng như khả năng thích ứng của học viên trong quá trình theo học tại trường. Từ đó, họ sẽ quyết định xem có nên cấp học bổng du học cho bạn hay không. Có thể nói, bài luận luôn có một sức nặng đáng kể trong hồ sơ đi du học Mỹ của học sinh.
4 điều không được có trong bài luận
#1. Bài luận có xu hướng liệt kê và lặp lại những gì đã đề cập đến trong CV/Resume (không cung cấp thêm thông tin/ví dụ/câu chuyện gì mới cho người đọc)
Đây là lỗi nhiều học sinh thường mắc phải nhất trong lúc viết luận xin học bổng du học. Tại sao nó lại được coi là một lỗi? Đơn giản vì nếu chỉ lặp lại những gì đã đề cập đến trong CV/Resume, thì sẽ phí phạm gần hết một trang giấy chỉ để nhắc lại điều mà nhà tuyển dụng đã biết rồi. Ví dụ, nếu bạn chỉ liệt kê: “Năm 2017, tôi đã tham gia chương trình A và đạt giải thưởng B. Sau đó, tôi tiếp tục làm trưởng nhóm của dự án C từ năm 2018 đến năm 2019”, người đọc sẽ có ngay câu hỏi: “Rồi sao?” (So what?). Tức là: “OK, bạn tham gia cái A, B, và bạn làm trưởng nhóm dự án C, nhưng điều đó có ý nghĩa gì?
Bạn cần cải thiện kỹ năng viết bài luận khi xin học bổng của bản thân bằng cách chọn lọc những điểm sáng nhất trong CV/Resume của mình để lồng ghép vào bài luận, đồng thời cung cấp thêm thông tin chi tiết cụ thể để giải thích cho người đọc thấy được tại sao kinh nghiệm tham gia chương trình A, B, C của mình lại khiến mình trở thành một ứng viên hàng đầu để trường đại học Mỹ cung cấp học bổng?
#2. Bài luận xin học bổng không hình thành được một mạch câu chuyện thuyết phục
Lấy xuất phát điểm từ việc đã chọn lọc ra được những điểm sáng chứ không phải lặp lại nguyên một danh sách những gì có trong CV/Resume, một bài luận thành công là một bài luận tạo nên được câu chuyện.
Có nhiều bạn cho rằng kể chuyện khi viết luận tức là theo kiểu kể một câu chuyện cá nhân thống thiết về ước mơ và đam mê. Tuy nhiên điều đó không đúng, kể chuyện trong bài luận không đồng nghĩa với kể lể. Ví dụ, bạn không cần phải theo khuôn mẫu: “Từ khi còn nhỏ tôi đã nuôi dưỡng cho mình một ước mơ trở thành X, Y, Z. Vì vậy, đây là ngành học mơ ước của tôi, sẽ giúp tôi theo đuổi hoài bão của mình”. Hãy xây dựng một câu chuyện thật cô đọng, dựa trên việc xâu chuỗi những trải nghiệm và kiến thức bạn đã có được trong khoảng 3 - 5 năm gần nhất, để chứng minh rằng những gì bạn có phù hợp với những gì vị trí/cơ hội đang tìm kiếm ở ứng viên.
Ví dụ: Thay vì ngồi kể khổ về ước mơ từ hồi còn bé (có thể là không có thật) trong bài luận, thì bạn nên chứng minh cho người đọc thấy:
- Trong bài luận của bạn là hành trình mà bạn tích lũy kiến thức và kinh nghiệm có những cột mốc chính nào, và những cột mốc đó trang bị cho bạn điều gì, bạn đã phát triển ra sao, điều đó chứng minh năng lực gì của bạn, và sẽ giúp gì cho bạn trong vị trí/chương trình học mới. Bạn có thể xâu chuỗi lại và tóm tắt những điều đó một cách ngắn gọn không? Bạn có con số cụ thể nào để đưa ra cho người đọc thấy ấn tượng không? Bạn có thể phân tích một ví dụ thể hiện rõ nét được tố chất mạnh nhất của bạn để trở thành ứng cử viên PHÙ HỢP NHẤT.
- Bài luận nên có định hướng rõ ràng và sự cam kết của bạn với vị trí/chương trình mà bạn nộp đơn. Không một tổ chức/hội đồng nào muốn trao niềm tin (và rất nhiều tiền) cho một ứng cử viên vẫn còn đang “mông lung” không biết mình đi học/đi làm ở vị trí đó để làm gì? Và sẽ sử dụng kiến thức/kỹ năng học được để tạo nên đóng góp tích cực gì cho cộng đồng sau đó.
#3. Bài luận không có cấu trúc bám sát những ý chính mà hội đồng tuyển dụng yêu cầu
Một lỗi thường gặp khác khi viết bài luận xin học bổng đó là: viết liền tù tì một mạch mà không đi theo một cấu trúc rõ ràng. Dù bài luận chỉ dài một trang, học sinh vẫn nên áp dụng phương pháp xác định rõ những “key points” - điểm mấu chốt được hỏi cho bài luận. Sau đó, cấu trúc bài luận thành nhiều đoạn văn ngắn, mỗi đoạn sẽ chứa câu trả lời và ví dụ cho một “key point”. Câu chủ đề nêu ý chính mình muốn truyền đạt của đoạn đó luôn đặt ngay ở đầu.
Thông thường, những bài luận xin học bổng thường yêu cầu ứng viên đề cập đến những điểm chính sau:
- Chủ đề/lĩnh vực chuyên môn bạn muốn theo học
- Tại sao những kiến thức và kinh nghiệm bạn đã có sẽ giúp bạn trở thành một sinh viên/ứng cử viên xuất sắc?
- Bạn mong muốn đạt được gì từ chương trình/vị trí bạn nộp đơn?
- Tại sao chương trình/vị trí này lại PHÙ HỢP NHẤT với bạn (mà không phải những chương trình/trường học/vị trí tương tự khác?)
#4. Bài luận sử dụng quá nhiều câu phức tạp, từ ngữ hoa mỹ hoặc từ ngữ thừa
Một giáo sư Mỹ đã nói “những giải pháp đơn giản và dễ làm theo nhất lại là những điều tốn nhiều thời gian và tâm sức để tạo nên nhất”. Việc viết luận cũng vậy, những bài luận càng đơn giản, mạch lạc, cô đọng, sử dụng từ ngữ dễ hiểu nhất lại là những bài luận tốn nhiều công sức và thời gian nhất để viết.
Nhiều học sinh hiểu lầm rằng viết luận xin học bổng cần phải sử dụng những cấu trúc ngữ pháp và từ ngữ chất lượng. Nhưng việc viết câu phức tạp, có nhiều vế, một câu dài tới hơn 3-4 dòng sẽ khiến người đọc khó theo dõi và cảm thấy mệt khi đọc bài luận. Hãy tưởng tượng bạn là người duyệt hồ sơ, bạn phải đọc hàng trăm bài luận chứ không chỉ một bài luận dài 500 từ. Nếu bạn gặp một bài luận có văn phong đao to búa lớn và chứa toàn câu phức, sẽ có những câu phải đọc lại lần thứ hai để cố hiểu xem người viết đang nói gì thì bạn sẽ thấy thế nào?
Vì vậy, sau khi viết nháp ra hết những ý tưởng của mình cho bài luận để đảm bảo không bị sót ý nào hay, bạn nên quay lại đọc nhiều lần để sửa câu và diễn đạt theo quy tắc one sentence, one idea - một câu truyền đạt một ý chính. Không cố gắng nhồi nhét hai, ba ý vào cùng một câu dài. Lược bỏ hết những từ thừa waste words, sử dụng thể chủ động active voice thay vì bị động passive voice để tạo sức sống cho bài luận. Tránh sử dụng những từ ngữ hoa mỹ” và không sử dụng hay dùng trong văn nói để đảm bảo tính chuyên nghiệp.
4 điều nên có trong bài luận ấn tượng
Để có được một bài luận tốt, các bạn học sinh cần chú ý 4 điều sau:
#1. Đọc thật kĩ yêu cầu của bài luận
Đọc thật kĩ yêu cầu của bài luận được coi là bước quan trọng nhất trong quá trình viết bài luận của các bạn học sinh trong hành trình du học của mình. Nhiều học sinh thường bỏ qua bước này và sẽ dẫn tới kết quả là bài luận bị sai hoặc không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà hội đồng tuyển sinh của các trường đại học Mỹ mong muốn.
Mỗi trường đại học ở Mỹ sẽ có những chủ đề và yêu cầu về hình thức, nội dung của bài tuyển dụng riêng. Chính vì vậy, hãy tìm hiểu thông tin thật kĩ trước khi viết bài luận, nắm rõ các yêu cầu về bài luận trước khi viết. Hãy lựa chọn trang web tuyển sinh chính thức của trường để không bỏ lỡ cơ hội theo đuổi hành trình du học của bản thân.
#2. Lập dàn ý cho bài luận
Sau khi nắm rõ các yêu cầu của bài luận, việc tiếp theo các bạn học sinh cần phải làm chính là lập dàn ý chi tiết cho bài luận của mình. Công việc này bao gồm tìm nội dung chính mà bài luận yêu cầu, tìm từ khóa cho bài viết và xây dựng hệ thống luận điểm phù hợp.
Việc lập dàn ý cho bài luận sẽ giúp các bạn học sinh có hướng đi tốt trong khi triển khai các vấn đề. Không nên bỏ qua bước lập dàn ý hoặc lập dàn ý sơ sài vì sẽ khiến bài luận của bạn trở nên phi logic, không có sự liên kết và bài viết không rõ ý, gây "mất điểm" trong mắt hội đồng tuyển sinh.
#3. Viết thuần thục trước khi viết bài luận hoàn chỉnh
Có dàn ý rồi, nhưng trước khi có một bài luận hoàn chỉnh để gửi cho hội đồng tuyển sinh các trường đại học Mỹ thì bạn cần phải viết thành thạo đã. Người Việt Nam mình có câu: "Trăm hay không bằng tay quen" để đề cao việc luận tập thường xuyên.
Không phải ai cũng có thói quen này trước khi bắt đầu, vì sẽ hơi mất thời gian và gây nhàm chán đối với các bạn học sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nó lại rất hữu ích. Trong quá trình viết nhiều bản nháp, bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng và có thể phát hiện ra lỗi mỗi khi đọc lại. Từ đó, bạn sẽ nảy sinh thêm nhiều hướng đi mới lạ, hay hơn được xây dựng dựa trên những cách viết cũ trước khi có một bài luận hoàn chỉnh.
#4. Bổ sung thêm nhiều hệ thống luận điểm mạnh trong bài luận
Đây chính là điều ghi điểm tuyệt đối trong bài luận khi hội đồng tuyển sinh quan tâm đến bài luận của bạn. Tại sao họ phải chọn bạn giữa hàng ngàn ứng viên khác? Hãy cho họ lí do bằng hệ thống luận điểm mạnh, bố cục rõ ràng trong bài luận của bạn.
Hãy cho họ thấy bạn thực sự là ứng viên tài năng và khiến họ cảm thấy đúng đắn khi quyết định cấp suất học bổng toàn phần cho bạn. Thêm những luận điểm mạnh, sắc bén như quan điểm của bạn trước chủ đề của bài luận, đề ra những giải pháp, định hướng đúng đắn đối với vấn đề ấy và đôi khi còn là động lực của bạn đối với vấn đề được nói đến trong bài luận… Chứng minh với họ rằng bạn là một người tâm huyết và thực sự am hiểu đề tài nhé.
Cuối cùng, IEE chúc bạn thành công, nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào đừng ngại liên hệ với chúng mình để được giải đáp!
https://iee.edu.vn/vi/bai-viet/chi-tiet/4-khong-va-4-co-trong-mot-bai-luan-an-tuong-voi-hoi-dong-tuyen-sinh
LIÊN QUAN TỚI BÀI NÀY