BÀI LUẬN XIN HỌC BỔNG DU HỌC: CHIA SẺ BÀI LUẬN ĐÃ XIN ĐƯỢC HỌC BỔNG TOÀN PHẦN ĐẠI HỌC MỸ VÀ CÁC TIPS NÊN BIẾT KHI VIẾT LUẬN
Đối với việc xin học bổng du học, bài luận đóng một vai trò hết sức quan trọng trong bộ hồ sơ. Bài luận chính là thứ giúp các bạn học sinh chứng minh được năng lực thực sự của bản thân cũng như đam mê, tâm huyết với ngôi trường bạn sắp đặt chân tới. Và thông qua bài luận, hội đồng tuyển sinh của các trường đại học Mỹ sẽ quyết định xem họ có đồng ý nhận và cấp học bổng cho bạn hay không. Vậy làm thế nào để viết được bài luận du học Mỹ đạt được kết quả tốt nhất? Hãy cùng IEE tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Chia sẻ của một du học sinh về bài luận đạt học bổng toàn phần trường Williams College
Dưới đây là một bài luận xin học bổng du học Mỹ bậc đại học của một bạn học sinh đã đạt được suất học bổng toàn phần trị giá 5 tỷ của trường Williams College của Mỹ. Nguyên văn bài luận xin học bổng du học của học viên đã được dịch sang tiếng Việt:
"Đã bao giờ bạn nghĩ rằng có năng lực vẫn không thể thành công bằng có quan hệ rộng chưa? Đối với tôi, suy nghĩ ấy đã từng hiện hữu trong đầu tôi suốt một thời gian dài. Và tôi từng ở trong trạng thái tuyệt vọng khi nghĩ rằng: Liệu cuộc sống này còn có sự công bằng?
Hồi tôi còn học lớp 9, ước mơ của tôi là được đặt chân vào một ngôi trường Chuyên của tỉnh. Trong lớp, tôi luôn được các thầy cô đặt nhiều kì vọng ở kì thi vào lớp 10 sắp tới này. Ở nhà, tôi luôn là niềm kì vọng của cha mẹ, là hình mẫu lí tưởng trong mắt các bác hàng xóm khi nhắc về cụm từ "con nhà người ta". Nói tóm lại, được học tại ngôi trường Chuyên của tỉnh là một trong những ước mơ lớn nhất của tôi vào thời điểm ấy và tôi phải cố gắng hết sức để đạt được ước mơ này.
Hồi ấy ở tỉnh chúng tôi có rất nhiều thí sinh thi vào ngôi trường Chuyên này. Tỉ lệ chọi tại kì thi năm đó rất cao, lên đến 1/20. Tức là có 20 thí sinh tham gia kì thi chỉ có 1 học sinh trúng tuyển. Chính vì lí do ấy, chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng cố gắng giảm được tỉ lệ chọi càng nhiều thì càng tốt. Để đạt được ước mơ được học tại ngôi trường cấp 3 danh giá, tôi đã phải nỗ lực hàng ngày. Thời gian có mặt trên lớp học của tôi nhiều hơn thời gian tôi có mặt ở nhà rất nhiều. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi trên hành trình theo đuổi ấy. Nhưng hễ tôi có suy nghĩ bỏ cuộc, hình ảnh được bước chân vào ngôi trường mình yêu thích, được đeo trên vai chiếc balo, được mặc đồng phục của trường lại thôi thúc tôi nỗ lực quay trở lại bàn học. Và tôi lại tiếp tục cố gắng…
Nhà tôi chỉ ở mức khá giả và tôi không cảm thấy tự ti về gia cảnh xuất thân của mình. Nhưng có một lần, đám bạn cùng lớp với tôi nói một câu khiến tôi suy nghĩ mãi: "Nhìn mày dạo này xanh xao hốc hác quá. Cố giữ sức khỏe đi, ôn thi làm gì, học giỏi dữ lắm rồi cũng không bằng thằng X đâu."
X là một người bạn học cùng lớp với tôi. Học lực của cậu bạn này ở mức bình thường nhưng ai cũng đoán rằng cậu ấy sẽ có một suất cứng để theo học tại ngôi trường Chuyên của tỉnh tôi. Đơn giản là vì… nhà cậu ấy có quan hệ rộng. Lúc đó tôi hoàn toàn suy sụp. Chẳng lẽ cuộc sống ngày nay chỉ trọng dụng các mối quan hệ, không còn trọng dụng đến năng lực nữa?
Tôi đem kể chuyện này với bố. Bố tôi an ủi tôi rằng: "Tiền bạc hay những thứ vật chất khác, nhiều đến mấy thì tiêu cũng sẽ hết. Chẳng có gì quan trọng hơn năng lực của bản thân đâu con ạ. Khi có năng lực, dù con có ở trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào thì con vẫn có thể đứng vững."
Tôi mong bạn hãy đừng vì một vài lời nói không thiện chí như vậy mà bỏ lỡ cơ hội theo đuổi giấc mơ của mình. Bởi vì không lâu sau đó, mọi chuyện lại diễn ra ngược lại so với những gì bạn bè tôi tưởng tượng. Tôi nhận ngay giấy báo trúng tuyển ngôi trường cấp 3 mà tôi nỗ lực hàng ngày. Còn người bạn X ấy lại không đỗ trong sự ngỡ ngàng của bạn bè cùng lớp tôi.
Việt Nam có một câu nói về thực trạng này: "Nhất quan hệ, nhì tiền tệ". Câu nói ấy ám chỉ rằng muốn có vị trí công việc tốt, công danh thuận lợi thì bạn phải có quan hệ và tiền tệ. Nhưng tôi nghĩ rằng ở thời điểm hiện tại, năng lực thực sự vẫn là thứ quyết định nhiều thứ nhất. Tôi không dám chắc trong tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi chỉ biết nói với bạn rằng, cuộc đời này tuy có bất công nhưng vẫn còn rất nhiều sự công bằng. Chúng ta không được chọn gia cảnh, không được chọn nơi chúng ta sinh ra. Nhưng chúng ta được lựa chọn cách nỗ lực, chọn cách giúp cho bản thân chúng ta trở nên hoàn hảo mỗi ngày.
Tôi làm được. Và chắc chắn bạn cũng thế!"
Bài luận xin học bổng du học này cũng đã nhận được học bổng của 4 trường đại học Mỹ khác. Các bạn học sinh lưu ý đây là essay cho bậc Đại học và đi du học Mỹ nhé. Các bạn apply cao học như Thạc sỹ & Phd hay apply ngắn hạn hoặc đi các nước khác như châu Âu hoặc Úc, Á bài luận sẽ hơi khác hơn.
3 yếu tố chấm điểm bài luận của các trường đại học Mỹ
"Các trường đại học Mỹ sẽ chấm điểm bài luận như thế nào?" - Có lẽ đây là câu hỏi các bạn học sinh thắc mắc nhiều nhất. Đối với các trường đại học Mỹ, họ sẽ chấm bài luận của bạn theo các tiêu chí sau:
- Bài luận chính xác, đáp ứng đủ yêu cầu
- Có cấu trúc bài luận mạch lạc, dẫn chứng hấp dẫn, thuyết phục người đọc
- Có nhiều quan điểm sắc nét, thể hiện rõ tâm huyết của bản thân
Khi đáp ứng đủ các tiêu chí trên, bài luận của các bạn học sinh sẽ được hội đồng tuyển sinh của các trường đại học Mỹ đánh giá cao. Vì vậy, hãy học ngay bí quyết "ghi điểm" trong bài luận của mình nhé.
Yếu tố kể chuyện trong bài luận xin học bổng du học
Một bài luận tốt (không chỉ là luận xin học bổng du học mà còn cả bất kỳ một bài luận nào) sẽ phải phát huy được hết những chức năng sau đây:
- Giúp ứng viên thể hiện được niềm yêu thích, hứng thú của mình với ngành học/trường học/học bổng mà ứng viên đó đang nộp hồ sơ
- Giúp ứng viên thể hiện được tố chất, kiến thức và kĩ năng, hay tóm lại chứng minh mình là một học sinh/sinh viên tiềm năng cho khoá học/học bổng
- Giúp ứng viên đưa ra được một vài chi tiết hay, chi tiết mở cho vòng phỏng vấn
Một bài luận xin học bổng du học hiện giờ thường giới hạn trong 500-1000 từ, nên chúng mình nên đọc kĩ yêu cầu để chọn lọc ý tưởng. Thay vì liệt kê tràng giang đại hải kiểu tôi thích cái A, tôi yêu cái B, tôi cũng có hứng thú với cái C, thì chúng mình nên chọn một tới hai, cùng lắm là ba mẩu chuyện để tập trung khai thác. Trong đó, các bạn có thể bắt đầu bằng việc muốn làm X, nên đã tìm hiểu thêm về Y, sau đó biết thêm về Z và nhận thấy Z có nhiều điểm cộng hơn X. Do đó, bạn thay đổi và đã thành công. Điều này thể hiện bạn là một người có khả năng học tập độc lập, có tuy duy phân tích phản biện và tinh thần học hỏi cái mới.
Sau khi đã hòm hòm ý tưởng, dàn bài rồi thì bắt tay vào nhào nặn câu chuyện. Dưới đây là tips viết luận thành công:
1. Bài luận cần có một mở bài ấn tượng
Ấn tượng trong bài luận, là khơi gợi được sự tò mò từ người đọc, muốn biết thêm về bạn, về câu chuyện của bạn một cách tự nhiên nhất có thể. Nó có thể là tóm tắt về thành tựu của bản thân, là phương châm sống hay một vài lời nhện xét của người khác về bạn.
Ví dụ:
- “Kĩ năng lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của tôi được minh chứng trong suốt ba năm làm việc. Mặc dù trượt đại học nhưng tôi đã rất chăm chỉ học hỏi, tiến hành khở nghiệp và tạo ra giá trị cho nhiều người”.
- “Khoảnh khắc nhận được tin báo trượt đại học, tôi đã lo sợ rằng cuộc sống của mình sẽ thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên, không thể ngờ, sự kiện năm 18 tuổi đó đã cho tôi động lực học tập và làm việc chăm chỉ, để rồi có thể giúp cuộc sống của rất nhiều người khác trở nên tốt đẹp hơn”
Có thể thấy trong VD1, người đọc phần nào đoán ra được bạn sẽ kể về quá trình mình tạo dựng công ty, có thể có những khó khăn và thành công. Mặc dù, những chi tiết đưa ra trong thân bài có thể gay cấn nhưng việc đoán trước được nội dung đã phần nào làm giảm hứng thú trong trải nghiệm của người đọc.
Với VD2, người đọc sẽ muốn biết thêm về câu chuyện: bạn đã làm thế nào, trải qua những chuyện gì và bạn đã giúp được những ai.
Một vài cụm mở bài mà mình thấy hơi nhàm chán là:
- “From a young age…”
- “For as long as I can remember…”
- “I am applying for this course because…”
- “I have always been interested in…”
- “Throughout my life I have always enjoyed…”
- “My interest in this subject was captured by…”
Nếu khó quá, các bạn có thể để dành mở bài viết sau cùng với kết bài.
2. Thiết lập ngữ cảnh cho bài luận
Chẳng cần kể dài dòng con tằm nó nhả ra tơ, nhưng việc cung cấp ngữ cảnh (ai, ở đâu, thời gian nào) sẽ giúp người đọc một bước đặt chân vào câu chuyện.
Tiếp nối mở bài phía trên, ngữ cảnh đưa ra có thể là: Ở Việt Nam, thi đại học được coi là kì thi cuộc đời, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp và cuộc sống của một người trẻ. Bạn có ước mơ đỗ vào trường A, để trở thành một … trong tương lai. Tuy nhiên, bạn trượt, và điểm số của bạn chỉ có thể học tại trường B.
3. Đề cập tới những khó khăn, thử thách trong bài luận
Hội đồng xét duyệt sẽ muốn biết thêm là bạn đã gặp những trở ngại gì.
Nó có thể đến từ ngoại cảnh, theo như ví dụ này thì bạn là sinh viên tỉnh lẻ với khả năng kinh tế hạn chế; ngành học của bạn có ít cơ hội nghề nghiệp; trường của bạn không phải là trường top. Nó có thể bắt nguồn từ chính bản thân bạn khi bạn phải học ngành mà mình chưa có nhiều hứng thú, quan tâm; hay việc trượt đại học khiến bạn mất đi sự tự tin.
4. Phác họa chân dung của nhân vật chính (bản thân bạn) trong bài luận
Lúc này, chúng ta sẽ đặt bản thân làm trung tâm của câu chuyện. Từ những khó khăn phía trên, bạn chấp nhận đối diện hay buông xuôi.
Tiếp tục với ví dụ: Bạn có thể là một sinh viên tỉnh lẻ, nhưng đầy hoài bão và nỗ lực. Cụ thể, sau giờ học, bạn đi làm thêm, rồi về thư viện học tiếp tới sáng. Hoặc bạn có thể là một người sáng taọ, có nhiều ý tưởng về vấn đề X mà bạn quan tâm, nên bên cạnh việc học, bạn tìm tòi và quyết định khởi nghiệp.
5. Thêm thắt tình tiết bất ngờ, nút thắt cho bài luận
Đây là những chi tiết để người đọc tiếp tục đặt câu hỏi: Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Các bạn có thể viết ra một, hai, thậm chí là ba sự kiện làm thay đổi mạch của câu chuyện. Thường thì nó sẽ là những lần vấp ngã, thất bại do kinh nghiệm và kiến thức non nớt của bạn.
Ở đây, các bạn có thể dùng vài từ thể hiện cảm xúc để tạo sự đồng cảm cho người đọc (nhưng không nên lạm dụng).
Ví dụ: Dự án start-up của bạn không có kết quả tốt, những thành viên trong nhóm lần lượt rời đi.
Thêm vào đó, do quá tập trung vào dự án start-up, bạn lơ là việc học và nhận được thư cảnh cáo về việc bạn sẽ bị đúp một năm học.
Bạn cảm thấy thật sự bế tắc.
6. Đẩy câu chuyện lên cao trào
Ở đây, các bạn hãy kể rõ từng bước mình đã làm gì, làm như thế nào để tháo ngỡ nút thắt phía trên. Đây là lúc các bạn chứng minh mình là người có khả năng lên kế hoạch và xử lí tình huống. Đừng quên thêm thắt các chi tiết về sự tương tác của bạn với những người xung quanh để câu chuyện sống động hơn, và bởi lẽ xây dựng và mở rộng mối quan hệ cũng là kĩ năng thiết yếu trong cuộc sống.
Ví dụ: Bạn tham gia một buổi hội thảo có diễn giả là người bạn rất hâm mộ. Bạn nán lại trò chuyện với ông ấy và nhận được lời khuyên có giá trị. Hoặc đơn giản chỉ là bạn xem được một video trên TedEx.
Bạn ngồi vẽ lại kế hoạch của cuộc đời mình. Tập trung lại vào việc học để có chắc kiến thức, bạn học thêm tiếng Anh, đọc thêm sách.
Bạn thuyết phục những thành viên cũ trong nhóm start-up quay trở lại ra sao, lãnh đạp nhóm thế nào, có những thay đổi gì trong chiến lược thực hiên. Rồi thì dưới sự giúp đỡ của thầy cô trong trường, nhóm của bạn quyết định đi thi cuộc thi về khởi nghiệp và giành được giải (nhất, nhì, ba, khuyến khích). Nhưng hơn hết là dự án đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên khác trong trường.
7. Viết về kết quả và bài học thu được trong bài luận
Có thể là thành công, có thể là thất bại, nhưng quan trọng nhất vẫn là bài học bạn rút ra được là gì, bạn đã trưởng thành trong suy nghĩ và hành động ra sao, và bạn đánh giá ngành học/ học bổng này là cơ hội như thế nào với bản thân.
Lại với mạch ví dụ trên: Bạn và nhóm khởi nghiệp của mình đã nhận được khoản đầu tư là $1000 và sự giúp đỡ của nhà đầu tư A. Bạn đã học hỏi được tầm nhìn và tư duy quản lí ra sao? Dự án hiện tại đạt được những thành công bước đầu thế nào (như dự án giáo dục giới tính đã tới chia sẻ kiến thức cho xx trường cấp 2 tại Hà Nội, dự án việc làm đã kết nối xx nhà tuyển dụng cho hàng ngàn sinh viên, dự án đọc sách đã xây dựng thư viện cho xx trường…)? Trong tương lại, bạn đang có kế hoạch phát triển nó đến đâu?
Ngành học/ học bổng này hỗ trợ bạn những gì? Bạn mong chờ được nhận nhũng gì từ ngành học/ học bổng này (các môn học chuyên ngành phù hợp, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất chất lượng, mạng lưới sinh viên/cựu sinh viên ưu tú…)
8. Kết bài luận một cách cô đọng và xúc tích
Sẽ hoàn chỉnh hơn nếu bạn có thể liên hệ kết bài với mở bài, thêm vào vài nhận thức cốt lõi và cái nhìn về tương lai.
Ví dụ, mình có thể viết là: “Tôi tin rằng Đại học không phải là cánh cổng duy nhất dẫn tới thành công, nhưng chắc chắn tri thức chính là chiếc chìa khoá vạn năng mở ra vô vàn cơ hội tốt đẹp. Sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để mang dự án A tới nhiều người hơn nữa, và ngành học/ học bổng XXX sẽ cho tôi thêm nhiều kiến thức, kĩ năng để thực hiện ước mơ của mình”.
Cuối cùng, cho dù viết hay hay dở thì trước hết vẫn cần viết đúng, các ví dụ trên chỉ mang tính chất tham khảo. Các bạn nhớ kiểm tra kĩ các lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp trong bài nhé. Hy vọng bài viết này phần nào giúp ích được các bạn trong việc lên ý tưởng và viết bài luận. Nếu có khó khăn gì thì đừng ngại liên hệ với IEE chúng mình để được giải đáp!
(Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn)
https://iee.edu.vn/vi/bai-viet/chi-tiet/4102-bai-luan-xin-hoc-bong-du-hoc-chia-se-bai-luan-da-xin-duoc-hoc-bong-toan-phan-dai-hoc-my-va-cac-tips-nen-biet-khi-viet-luan
LIÊN QUAN TỚI BÀI NÀY